Mang danh nghĩa là “photographer” cùng gia đình, bạn bè đi du lịch, đương nhiên mọi người đều yêu cầu bạn chụp lại những bức ảnh kỷ niệm. Nếu không cẩn thận bức ảnh ghi nhận lại sẽ không đẹp thì cảm giác thú vị của chuyến đi cũng sẽ tiêu mất. Đương nhiên cơ hội chụp lại sẽ không còn, vì vậy bạn nên luôn luôn nằm lòng một số phương pháp cơ bản sau, chủ yếu phối hợp ba yếu tố góc chụp, khoảng cách và bố cục.
Chụp phong cảnh
Trước hết bạn phải nắm nguyên tắc cơ bản, đầu tiên là chú ý đường chân trời nên đặt nằm ngang và theo bố cục 1/3, bầu trời trong ảnh là 1/3 và phần mặt đất là 2/3 hoặc ngược lại. Nếu trong ảnh có những chi tiết lớn như một cái cây, một tảng đá to… thì không nên đặt ở ngay trung tâm ảnh. Mới bắt đầu nên bạn áp dụng hai điều cơ bản này trước cũng có thể chụp được những bức ảnh đẹp hơn.
Giả sử trước mặt của bạn là một vườn hoa, công viên hay một nơi tham quan nào đó. Theo cảm nhận của bạn là khuôn viên vườn có bối cảnh đẹp, bạn sẽ chọn yếu tố đó để có tấm ảnh ưng ý. Khi đã chọn góc chụp thích hợp, bạn có thể nâng cao máy để ghi nhận sự phong phú của vườn hoa hoặc lấy thêm cảnh xung quanh để thể hiện vị trí của khu vườn.
Tránh những chi tiết dư thừa trong ảnh
Trước khi bấm máy, nên quan sát kỹ qua lỗ ngắm có chi tiết nào không cần thiết lọt vào khung hình không. Ảnh bên dưới là ví dụ, phần đất thừa bên góc trái đã làm toàn cảnh của ảnh mất giá trị đi.
Chụp ảnh kỷ niệm
Những bức ảnh trong chuyến đi du lịch ngoài phong cảnh được chụp, chắc chắn bạn phải chụp ảnh lưu niệm có người trong đó. Thế bạn có chụp giống phong cảnh không? Chắc chắn là không phải rồi. Trước tiên, chúng ta thường nhận ra người được chụp thường quá nhỏ so với cảnh vật, ví dụ như chụp cạnh một kiến trúc nào đó. Do thói quen, người được chụp thường hay đứng gần sát kiến trúc, thế nhưng tòa nhà lại quá lớn so với người được chụp. Trường hợp này, người cầm máy phải biết chọn khoảng cách thích hợp để lấy được quang cảnh kiến trúc, sau đó điều khiển người được chụp ở trước ống kính với khoảng cách phù hợp để kích thước người chụp có độ lớn như ý.
Tiếp theo, bạn cần quan sát hậu cảnh có làm ảnh hưởng đến người được chụp không, ví dụ ngọn cây mọc trên đầu, dây điện cắt ngang cổ… và cuối cùng chú ý đến hướng ánh sách chiếu vào người được chụp. Ánh sáng thuận mạnh quá sẽ làm hình bị bẹt hoặc tạo mảng đổ bóng sậm quá trên khuôn mặt, ví dụ ánh sáng giữa trưa chiếu thẳng từ đỉnh đầu xuống. Để tránh trường hợp này bạn dùng tấm phản quang hoặc đèn flash để đánh sáng xóa bỏ vùng đổ bóng khi chụp. Đồng thời, bạn cũng chú ý đến hướng ánh sáng để có bức ảnh có hình khối hơn.
Trong hình bên dưới, bạn sẽ nhận thấy một lỗi mà khá nhiều người mắc phải, đó là trên đầu chủ thể xuất hiện ngọn cây. Do vậy cần quan sát hậu cảnh có hài hòa với chủ thể để tạo bức ảnh không gây khó chịu người xem.
Chụp hoạt động vui chơi
Những dịp du lịch mọi người sẽ được tham gia vui chơi, party, chơi đùa… Hình ảnh ghi nhận được cần bắt được không khí nháo nhiệt, khoảng khắc cảm xúc của người tham gia hoạt động cộng đồng.
Trong cuộc đi chơi có cắm trại hoặc sinh hoạt ngoài bãi biển khi màn đêm buông xuống. Lửa trại nổi lên, đây là lúc thích hợp để bạn bấm máy, khung cảnh còn lại một chút ánh sáng ban chiều, cảnh vật bao la. Bạn nên chuẩn bị máy móc sẳn sàng để chờ đợi, vì thời điểm chụp để có ảnh đẹp diễn ra rất nhanh để ta có được không khí lúc đó, nếu cảnh vật đã tối đen thì còn gì để bàn nữa…
Những máy ảnh chụp tốc độ cao giúp ta có được những sắc thái, những khuôn mặt rất tự nhiên trong sinh hoạt, cũng như lễ hội cũng là điều không thể thiếu. Nhưng bạn cũng nên lưu ý trong không khí lễ hội có thể một vài người không thích khi bạn hướng ống kính vào họ. Vậy nên cần phải hiểu rõ tâm lý và tìm chọn đối tượng để chụp. Những khuôn mặt háo hức, vui vẽ sẽ thích hợp với bầu không khí lễ hội.
Chụp ảnh vui chơi, lễ hội bạn phải chụp trong đám đông vì thế trang phục, đồ nghề rất quan trọng. Nếu mang theo túi đựng máy quá lớn bạn sẽ rất khó di chuyển, quần áo sặc sỡ cũng là việc không nên. Bạn nên chọn thêm loại áo khoác có nhiều túi để thuận tiện đựng các thứ cần thiết luôn bên mình.
4 Comments
Bài của anh hay quá, hữu ích cho dân amateur như em. Cho phép em copy bài vào blog của em nhé.
Em cứ lấy dùng. Bài này anh có đăng trên tạp chí Mobile Review số Tết
anh ơi, thế chụp ảnh trên vùng cao thì thế nào ạ?
@Thuỳ Dương: “vùng cao” nghĩa bóng hay nghĩa đen thế em?